Hiệu ứng Diderot khiến bạn rơi vào vòng xoáy mua sắm khó dừng
Do hiệu ứng Diderot, bạn mua một chiếc áo mới rồi lại muốn có giầy, túi đồng bộ với nó, trong khi chẳng hề cần đến.
Phần lớn cuộc đời, triết gia nổi tiếng người Pháp Denis Diderot sống trong cảnh đói nghèo. Đến năm 1765, mọi thứ thay đổi.
Diderot 52 tuổi khi đó cần chuẩn bị sính lễ cho đám cưới của con gái. Tuy không có tiền, Diderot vẫn được nhiều người biết đến vì là đồng tác giả bộ bách khoa toàn thư Encyclopédie. Biết về tình trạng tài chính của Diderot, Catherine Đại đế, Nữ hoàng nước Nga, đã đề nghị mua lại thư viện của Diderot với giá 1.000 GBP, tương đương 50.000 USD vào năm 2015.
Bỗng chốc trở nên giàu có, Diderot quyết định sắm cho mình một chiếc áo choàng mới màu đỏ và từ đây, rắc rối bắt đầu ập đến.
Chiếc áo choàng của Diderot rất đẹp, đẹp đến mức ông lập tức nhận ra nó không ăn nhập với những đồ vật khác trong nhà. “Không còn sự đồng điệu, không còn vẻ đẹp nào nữa”, triết gia ca thán.
Cảm thấy cần nâng cấp đồ đạc để xứng với chiếc áo mới, Diderot thay thảm cũ bằng thảm mới từ Damascus. Ông trang trí ngôi nhà với những bức tượng điêu khắc cầu kỳ và bàn bếp mới. Ông sắm thêm gương, đổi chiếc ghế mây bằng chiếc ghế da. Kết quả, Diderot vẫn sống trong nợ nần, thậm chí suýt phá sản.
Về sau, Diderot bày tỏ sự hối hận vì mua sắm trong một bài tiểu luận. Cũng từ đây, thuật ngữ hiệu ứng Diderot ra đời, dùng để chỉ vòng xoáy tiêu dùng khiến bạn muốn có nhiều thứ hơn bắt nguồn từ việc mua một món đồ mới. Do hiệu ứng Diderot, chúng ta mua nhiều thứ mình không hề cần nhưng vẫn chẳng thấy hạnh phúc, thỏa mãn hơn.
Hiệu ứng Diderot dựa trên hai giả định về thói quen mua sắm của con người. Thứ nhất, hàng hóa người tiêu dùng mua về trở thành một phần trong bản sắc của họ, có xu hướng bổ sung cho nhau. Thứ hai, việc xuất hiện một sản phẩm mới, đi lệch khỏi bản sắc ban đầu có thể tạo ra vòng xoáy tiêu dùng trong nỗ lực tạo ra sự gắn kết mới.
Lập luận trên được Diderot đề cập trong tiểu luận. Ông giải thích rằng chiếc áo choàng cũ là một phần của con người nhà văn trong mình và dung hòa tốt với những đồ đạc khác như chiếc ghế mây, cái bàn gỗ, tấm thảm cũ. Đến khi sắm chiếc áo choàng mới, mọi thứ trở nên lạc lõng. Diderot muốn thay thế đồ đạc sao cho phù hợp với chiếc áo mới nên tự ngã vào vòng xoáy tiêu dùng.
Hầu như ai cũng từng là “nạn nhân” của hiệu ứng Diderot. Đó là khi bạn mua một chiếc váy sau đó sắm thêm giầy, túi để đi cùng. Đó là khi bạn mua thẻ tập gym rồi mang về hàng loạt phụ kiện như quần áo, thảm tập, tạ tay. Đó là khi bạn mua sofa mới và nhất quyết thay thảm.
Trong trường hợp của Diderot, ham muốn mua sắm dẫn đến hệ quả nghiêm trọng là suýt phá sản. Điều đó cho thấy một quyết định mua sắm sai lầm có thể dẫn ta đi tới đâu. Hiệu ứng Diderot khiến chúng ta muốn thứ mình không cần và dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn hiệu ứng Diderot? Cách tốt nhất là đừng bắt đầu vòng xoáy. Diderot hẳn sẽ không gặp chuyện gì nếu ngay từ đầu không sắm chiếc áo choàng mới.
Ngoài ra, có nhiều biện pháp giảm nhu cầu mua sắm của bạn. Ví dụ như hạn chế tiếp xúc với trang web bán hàng, chỉ mua những món phù hợp với đồ đạc sẵn có, khi mua một món phải cho đi một món khác, tự đặt thử thách không mua sắm trong một tháng.
Lưu ý, hiệu ứng Diderot cũng xảy ra với những món quà tặng nên trước khi tặng ai thứ gì đó, hãy đảm bảo món đồ này không khiến đối phương muốn sửa lại cả phòng khách.